Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Giữ mãi màu áo trắng

Khoát lên mình áo trắng
Màu áo dễ bẩn nhơ
Mang trên vai niềm tin
Của bao người cùng khổ

Hãy lặng lòng em nhé
Để nghe tiếng gió đêm!
Hãy vững vàng em nhé
Con tim lắm nổi niềm!

Nắng gió bàn chân mỏi
Giông tố chực bủa vây

Ta mang theo lý tưởng
Hành trang kẻ độc hành
Để dặm trường khắc khoải
Dặn mình vững bước chân

Em ơi hãy lắng nghe
Lời con tim thổn thức!

Tặng các đồng nghiệp áo trắng

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Ngoại tâm thu thất

BS. Nguyễn Thanh Hiền
BS. Nguyễn Ngọc Phương Thư

MỞ ĐẦU:
Ngoại tâm thu thất (NTTT) là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, có thể xảy ra trên những người có hoặc không có bệnh tim. Lượng giá và điều trị NTTT là một vấn đề thách thức và phức tạp. Ý nghĩa và tầm quan trọng của NTTT phụ thuộc vào bối cảnh lâm sàng và bệnh tim cơ bản. Trên những người khỏe mạnh bình thường, NTTT đơn giản thường không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, trên những bệnh nhân có bất thường cấu trúc ở tim, NTTT thường có liên quan chặt chẽ đến khả năng làm tăng nguy cơ đột tử.
Phương pháp đánh giá và điều trị NTTT đã có sự thay đổi rất lớn trong một thập kỷ qua. NTTT thường dẫn đến nhịp nhanh thất, sau đó diễn tiến xấu trở thành rung thất. Đây là cơ chế phổ biến gây nên đột tử do tim. Chính vì vậy, khuyến cáo điều trị trong những năm từ 1970 đến 1990 là cố gắng loại bỏ hoàn toàn NTTT xảy ra sau NMCT. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng việc điều trị nhằm loại bỏ NTTT bằng các thuốc chống loạn nhịp hiện có đã làm tăng nguy cơ tử vong mà không đem lại một lợi ích nào có thể đo lường được.
Do vậy, để có một quyết định xử trí đúng đối với NTTT trên từng trường hợp, ta cần phải tìm hiểu và tiếp cận vấn đền này từ cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân, chẩn đoán xác định, phân loại và đánh giá mức độ nguy hiểm của NTTT theo quan điểm hiện nay.

I. ĐẠI CƯƠNG:
I.1. Định nghĩa: NTTT là ổ tạo nhịp ngọai vị nằm ở thất, đặc trưng bằng nhát bóp đến sớm và biến dạng (QRS > 0,12 s), các xung động ngoại vị thường  xuất phát từ những vùng ở đầu xa trong hệ thống His-Purkinje.
Một số tên gọi khác: Phức bộ thất đến sớm, nhát bóp thất đến sớm, ổ phát nhịp ngoại vị ở tâm thất (Ventricular ectopics).
i.2. Đặc điểm:
A. đơn giản (simple): khi là ngoại tâm thu đơn ổ và tần suất không thường xuyên.
B. Phức tạp (complex):
1. Xuất hiện vào sóng T (thời kỳ nguy hiểm).
2. Lặp lại (repetitive) ≥ 02 ngoại tâm thu thất liên tiếp.
3. Nhịp đôi.
4. Thường xuyên ( > 20 ngoại tâm thu thất /giờ).
5. Đa ổ.
Tất nhiên ngoại tâm thu đơn giản tiên lượng tốt hơn ngoại tâm thu phức tạp.
I.3. Tuổi và giới:
Gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất ở tuổi 50-70 tuổi.
Nam gặp nhiều hơn nữ.
i.4. Sinh lý bệnh:
Có rất ít nghiên cứu nhằm đánh giá sinh lý bệnh NTTT trên con người. Hầu hết những gì mà ta biết được đều xuất phát từ những nghiên cứu trên súc vật.
NTTT thể hiện sự tăng hoạt tính của tế bào tạo nhịp ở thất. Các cơ chế có thể là tự  động tính gia tăng, vào lại và cơ chế nảy cò (Trigger):
* Vòng vào lại xảy ra khi có một vùng bị block một chiều trong các sợi Purkinje và vùng thứ hai có dẫn truyền chậm. Trong quá trình hoạt hoá thất, vùng dẫn truyền chậm kích hoạt phần bị block của hệ thống sau khi phần còn lại của thất đã hồi phục, gây nên nhịp NTTT (Hình 1). Điển hình là vòng vào lại xảy ra khi có tổ chức dẫn truyền chậm nằm kế bên tổ chức bình thường. Tổ chức dẫn truyền chậm ở đây có thể là do cơ tim bị phá huỷ ví dụ như  trong trường hợp NMCT thành sẹo. Vòng vào lại có thể gây ra nhịp NTTT đơn độc hay khởi phát cơn nhịp nhanh thất kịch phát.
ngoai-tam-thu-that-1
Hình 1: Sơ đồ vòng vào lại. Phân nhánh hình Y của hệ thống Purkinje vào cơ thất được mô tả trong các hình A, B, C. Nhánh bên phải (vùng mờ) có thời gian trơ dài hơn nhánh bên trái.
- Với tốc độ kích thích chậm (S1), sự dẫn truyền tiếp diễn bình thường qua cả 2 sợi Purkinje, dẫn đến sự gặp nhau trong sợi cơ thất.
- Một kích thích sớm hơn (S2), dẫn đến block trong sợi Purkinje bên nhánh phải và chậm dẫn truyền bên nhánh trái, xung động dẫn truyền xuống cơ thất và quay trở lại vị trí block ban đầu nhưng không qua được, bởi vì ở đây chưa hồi phục hoàn toàn tính kích thích.
- Một kích thích sớm hơn nữa (S3), lại bị block bên nhánh trái, làm dẫn truyền chậm hơn xuống nhánh trái, giúp có đủ thời gian cho vị trí block ban đầu bên phải hồi phục, cho phép xung động được dẫn truyền qua, tạo thành vòng vào lại.
* Gọi là nhịp đập khởi kích (lẩy cò) là do quá trình sau khử cực được khởi kích bởi các điện thế hoạt động đi trước. Hiện tượng sau khử cực được khởi kích bởi xung động đi trước có thể dẫn đến sự hoạt hoá sớm tâm thất nếu như kích thích đạt tới ngưỡng, và gây nên NTTT. Hiện tượng sau khử cực có thể xảy ra ngay trong giai đoạn tái cực (sau khử cực sớm) hoặc sau khi tái cực xong (sau khử cực muộn). Các hiện tượng sau khử cực xảy ra sớm thường gây nên NTTT liên quan đến nhịp tim chậm. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể xảy ra trong bệnh lý thiếu máu cơ tim và rối loạn điện giải.
* Tự động tính là khả năng tự khử cực của một số tế bào cơ tim biệt hoá để đạt đến điện thế ngưỡng khởi đầu một điện thế hoạt động. Tự động tính gia tăng chứng tỏ có một ổ ngoại vị của các tế bào phát nhịp tồn tại trong thất đã đang trong tình trạng giảm điện thế ngưỡng. Nhịp cơ bản của tim đã nâng các tế bào này tới ngưỡng và khởi phát nhịp đập từ ổ ngoại vị. Những mô hình nghiên cứu trên súc vật cho thấy, cơ chế tại chỗ mà không có bằng chứng của vòng vào lại lớn (macro-entry) có vai trò rất quan trọng gây nên các rối loạn nhịp thất trong bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ. Tự động tính gia tăng có thể do các rối loạn điện giải hoặc do thiếu máu cơ tim.
I.5. Tần suất:
- NTTT được phát hiện ở những người có bệnh tim lẫn người khỏe mạnh bình thường.
- Ở những người khỏe mạnh tuổi trung niên thực hiện ECG Holter thường qui cho thấy trên 60% có NTTT. Đối với những Bệnh nhân có tiền sử NMCT, hơn 80% có NTTT trên ECG Holter.
- NTTT xuất hiện với tần suất 0,8% qua thống kê trong tổng số các trường hợp đo ECG thường quy.
- Dạng NTTT phức tạp cũng không phải hiếm gặp. Một nghiên cứu được thực hiện trên 50 sinh viên Y khoa đang khỏe mạnh bình thường cho thấy 25 người có ít nhất 1 NTTT trong 24 giờ (50%), trong số này:
* 6 người có NTTT đa dạng,
* 3 người có NTTT dạng R trên T (R-on-T PVCs),
* 1 người có NTTT nhịp đôi,
* và 1 người có 5 NTTT liên tiếp tạo thành nhịp nhanh thất.
- Các trường hợp NTTT phức tạp hay đi kèm với NTTT thường xuyên. Tuy nhiên nhịp nhanh thất và NTTT phức tạp cũng có thể xảy ra trên những Bệnh nhân không có NTTT thường xuyên.
- NTTT xuất hiện rất phổ biến trên những bệnh nhân có bệnh tim. NTTT xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân NMCT và đa số là NTTT phức tạp.
II. THỂ LÂM SÀNG:
II.1. Ở người khỏe mạnh:
+ Vài NTTT xuất hiện ở người khỏe mạnh mỗi ngày.
+ Với việc sử dụng Monitor ECG tỉ lệ NTTT biến thiên trong vài nhóm dân khoẻ mạnh như sau:
- 1 % (55/904) ở các lứa tuổi khác nhau.
- 86% (trong số 267 người nam và nữ) > 60 tuổi.
- 76% ở người 85 tuổi khoẻ mạnh.
- 20% trong số 101 người già khoẻ mạnh có ít nhất 10 NTTT/1 giờ cả lúc bắt đầu và sau 5 năm nghiên cứu.
- NTTT phức tạp ở 35% người nam > 80 tuổi không có tiền sử NMCT hay đau ngực ở Malmo, Sweden.
+ Khi NTTT ở người không có bệnh tim > 100 lần/ngày, tỷ lệ NTTT phức tạp tăng. Tuy nhiên, nó không xuất hiện thường xuyên ở hầu hết người không có bệnh tim. Ngoại tâm thu đa ổ xuất hiện 10%, 2 nhịp liên tục 4%, nhịp đôi 2%, ở người già hơn số NTTT đa ổ tăng tới 25%, 2 nhịp liên tục tới 8 %
II.2. Bệnh nhân bệnh mạch vành:
+ Nhồi máu cơ tim (NMCT):
- NTTT xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân NMCT và đa số là NTTT phức tạp (Bảng 1). NTTT thất phức tạp xuất hiện càng nhiều ở người già, có tắc nghẽn ĐMV hay thiếu máu cơ tim dai dẳng hơn và có đặc điểm:
* Tiền sử NMCT hay suy tim xung huyết.
* Men tim tăng nhiều.
* ST chênh lên hay xuống nhiều trên ECG.
* Phân xuất tống máu thấp.
Bảng 1: Xác định NTTT bằng Computer và theo dõi cơ bản ở 31 bệnh nhân NMCT

Loạn nhịp
Xác định tự động (%)
Theo dõi cơ bản (%)
Tất cả các nhịp
100
64,5
Tất cả các nhịp phức tạp
93,5
16,1
Đa ổ
87,1
6,5
Liên tục
77,4
13
Nhịp đôi
25,8
9,1
R/T
13
3,2
- Tỷ lệ NTTT nhiều hơn ở bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết thành công so với những người  không sử dụng hay sử dụng không thành công tiêu sợi huyết.
- Xuất hiện sớm sau NMCT và giảm dần theo thời gian và tiếp tục xuất hiện cả khi bệnh nhân đang nằm viện hay xuất viện.
+ Sau NMCT:
- 36% bệnh nhân hồi phục sau NMCT có < 1 NTTT/giờ.
- 20% bệnh nhân có NTTT thường xuyên ( >20 lần / giờ). Tần  suất NTTT tăng ở những người có tiền căn NMCT, suy tim xung huyết, người già.
- Khi NTTT xuất hiện trong tần số > 20 lần/phút, bệnh nhân thường có NTTT phức tạp trong thời điểm ghi và 05 tháng sau này. Tỷ lệ NTTT nguy hiểm thấp ở trẻ em sống sót sau NMCT và thường do bất thường ĐMV trái xuất phát từ  ĐMV phải.
+ Bệnh động mạch vành (ĐMV) mạn: có tỷ lệ NTTT nhiều hơn so với    người không có bệnh ĐMV mạn.
- Đau thắt ngực:
* Thường có NTTT, kể cả NTTT nguy hiểm nhiều hơn người không có bệnh tim. NTTT có thể xảy ra ở người có thiếu máu cơ tim yên lặng, nhưng loạn nhịp xuất hiện thường hơn trong cơn thiếu máu có triệu chứng so với cơn thiếu máu không có triệu chứng. Số lượng NTTT tăng không có ý nghĩa trong giai đoạn ST chênh xuống ghi được trên Holter. So với bệnh nhân  đau thắt ngực không có loạn nhịp, BỆNH NHÂN đau thắt ngực kèm loạn nhịp có tần suất cơn đau nhiều hơn, ST chênh xuống nhiều hơn và kéo dài hơn.
* Những bệnh nhân hay có loạn nhịp NTTT trong cơn đau thắt ngực:
. Chức năng thất trái giảm.
. ST chênh lên ở thành trước thoáng qua.
. Có NTTT tương đối thường xuyên lúc nghỉ (>14 lần/ngày).
- Đau thắt ngực Prinzmetal:
* Cả NTTT đơn giản và phức tạp đều xuất hiện trong cơn co thắt mạch vành.
* Khoảng 10-20% cơn đau thắt ngực biến thái.
* Thường xảy ra trong giai đoạn co mạch hơn là giãn mạch.
* Bệnh nhân đau thắt ngực Prinzmetal phát triển NTTT trong cơn gây ra bởi thuốc Ergonovin thường có loạn nhịp tương tự như trong cơn đau tự phát.
- Tiền sử NMCT:
* Bệnh nhân có tỷ lệ NTTT nhiều hơn bệnh nhân đau thắt ngực.
* Những bệnh nhân thường có NTTT là:
. Suy tim sung huyết.
. Bệnh nhân có dùng lợi tiểu.
+ Hồi phục sau ngưng tim:
- Xảy ra ở bệnh nhân ngừng tim do rung  thất và những người với loạn nhịp NTTT phức tạp. Thường có tiền sử NMCT hay suy tim xung huyết từ trước so với những người không có NTTT.
+ Người có  yếu tố nguy cơ:
* Đàn ông với yếu tố nguy cơ động mạch vành như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hay hút thuốc lá ít nhất 20 năm thường có NTTT đa ổ hơn những người không có yếu tố nguy cơ này.
II.3. Bệnh van tim:
+ Sa van 2 lá:
- Thường có NTTT.
- 56 % có ít nhất 01 NTTT/ 24 giờ.
- Tỷ lệ NTTT đơn giản và phức tạp là tương đương nhau
+ Van ĐMC:
- NTTT xảy ra ở bệnh nhân bệnh van động mạch chủ khi có chức năng tâm thu thất trái giảm hay sức căng thành thất tăng.
- Tần suất NTTT không liên quan với:
*Mức độ hở chủ.
*Bệnh động mạch vành kết hợp.
*Chênh áp qua van động mạch chủ.
*Loại tổn thương van.
II.4. Bệnh cơ tim (BCT) và viêm cơ tim:
+ Bệnh thường hay có NTTT cả đơn giản và phức tạp, đặc biệt ở bệnh  nhân  suy tim nặng. Các bệnh cơ tim hay gây NTTT là:
- BCT do rượu.
- BCT chagas.
- BCT dãn.
- Bệnh Amyloidois gia đình.
- BCT phì đại.
- Loạn sản thất phải.
- BCT Sarcoid.
+ Viêm cơ tim cũng hay gây NTTT. Loạn nhịp này có thể tồn tại sau giai đoạn cấp.
+ Những trẻ em có NTTT mà khám tim bình thường, có thể phải nghi ngờ bị bệnh cơ tim hay viêm cơ tim dưới mức lâm sàng.
II.5. Tăng huyết áp (THA) và phì đại thất trái:
+ Người THA (kể cả THA tâm thu đơn độc) đều có NTTT nhiều hơn người bình thường. Nguy cơ tương đối cho xuất hiện NTTT tăng liên quan với mức độ tăng huyết áp tâm trương.
+ Bệnh nhân với phì đại thất trái, hoặc do tăng huyết áp hay nguyên nhân khác, có NTTT đơn giản và phức tạp nhiều hơn người không có tăng huyết áp hay phì đại thất trái. Ở người map, tần số và mức độ NTTT nhiều hơn người ốm cùng bị phì đại thất trái lệch tâm.
+ Tuổi, mức đô phì đại thất trái, thể tích và chức năng của thất trái xác định tần suất và độ nặng NTTT ở bệnh nhân  tăng huyết áp. Tỷ lệ NTTT ở bệnh nhân tăng huyết áp sẽ tăng lên khi kèm dãn thất.
+ Điều trị lợi tiểu và chlorthalidone ở liều thích hợp làm giảm đột quỵ và biến cố tim mạch. Bổ xung kali khi cần thiết sẽ không làm tăng tỷ lệ NTTT.
II.6. Bệnh phổi:
+ Bệnh nhân bị bệnh phổi nặng sẽ có xuất hiện NTTT, đặc biệt khi chức năng thất trái giảm.
II.7. Bệnh tim bẩm sinh:
+ Bệnh nhân có tim bẩm sinh có tần xuất bị NTTT cao hơn người không có tim bẩm sinh ở cùng lứa tuổi. Tỷ lệ NTTT cũng tăng theo tuổi như những người khác. NTTT có thể có triệu chứng hay không triệu chứng ở bệnh nhân bị block tim hoàn toàn bẩm sinh.
II.8. Phẫu thuật tim:
+ NTTT là loạn nhịp hay gặp nhất sau phẫu thuật mạch vành. Một số bệnh nhân sau mổ có NTTT nhiều hơn trước mổ ngay cả khi không có NMCT trong lúc mổ.
+ NTTT lặp lại xuất hiện không thường xuyên ở bệnh nhân chức năng thất trái bình thường sau phẫu thuật thay van. Những bệnh nhân thay van động mạch chủ có NTTT đơn giản hay phức tạp thường kèm giảm chức năng thất trái. Tuy nhiên số lượng và mật đô NTTT giảm nếu chức năng thất trái cải thiện sau phẫu thuật. NTTT thường gặp sau phẫu thuật sửa chữa tâm thất độc nhất, CIV, Ebstein và Fallot.
II.9. Thuốc:
+ Nhiều thuốc nhất là thuốc chống loạn nhịp có khả năng gây hậu quả loạn nhịp (pro-arrhythmic effect). Tuy nhiên tỷ lệ gây loạn nhịp NTTT là thấp (4% với Flecanide).
+ Digitalic là thuốc hay gây NTTT và là hậu quả của nhiễm độc Digital ở  bệnh nhân có bệnh tim. Ơ người bình thường, khi có ngộ độc digital hay bị rối loạn dẫn truyền hơn.
+ Ngoài ra còn có một số thuốc khác cũng thường gây ra NTTT như: Anthracyclin (trong điều trị ung thư), Theophylline, Aminophylline, Atropine, Azathioprine, Catecholamine, Cocaine.
II.10. Rối loạn chuyên hoá và nội tiết:
+ Giảm K+: giảm K+ thường do dùng lợi tiểu, hay gây NTTT ở nhiều bệnh nhân thiếu máu cục bộ và NMCT cấp, đặc biệt ở những người có bệnh tim đang dùng digital ở nồng độ điều trị. Tuy nhiên giảm K+ không gây NTTT ở người bình thường hay tăng huyết áp nhẹ và trung bình nếu K+ không dưới 3 mEq/l. NTTTsẽ xuất hiện nhiều hơn nếu nồng độ K+ giảm hơn và khi bệnh nhân đang dùng lợi tiểu ≥ 2 năm.
+ Bệnh thận mạn và lọc thận: NTTT đơn giản hay phức tạp gặp ở bệnh nhân với bệnh thận mạn ngay sau khi lọc thận và 6h sau đó. Nồng độ K+ thấp là nguyên nhân gây ra NTTT, nên cần theo dõi nồng độ K+ sau chạy thận .
+ Acromegaly: bệnh này làm tăng NTTT phức tạp.
II.11. Các chất kích thích:
+ Cà phê, rượu và thuốc lá được coi là những chất kích thích kinh điển dễ gây nên các rối loạn nhịp tim trong đó có NTTT. Đây là những yếu tố thuộc về lối sống và cần tránh nếu nó là nguyên nhân gây NTTT.
II.12. Các nguyên nhân khác: U tim, xạ trị tim, điện giật, xơ cứng bì, đái tháo đường, loạn dưỡng cơ, tăng thông khí...

III. TRIỆU CHỨNG:
III.1. Cơ năng: Bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:
+ Hồi hộp là dấu hiệu hay gặp nhất.
+ Chóng mặt.
+ Đau ngực.
+ Có thể không triệu chứng.
III. 2. Thực thể:
+ Mạch:
- Không đều.
- Mạch mạnh sau khoảng nghỉ.
- Tĩnh mạch cảnh tạo sóng A lớn.
+ Nghe tim:
- Phát hiện nhịp đến sớm, tiếng T1 thường gọn hơn, đôi khi chỉ nghe tiếng T1.
- NTTT kèm block nhánh phải có thể gây tách đôi rộng tiếng T1 và T2. Ngược lại NTTT và biểu hiện block nhánh trái  có thể gây tách đôi nghịch thường T1 và T2.
+ Tiếng thổi:
- Thay đổi trong và sau NTTT.
- Nếu tiếng thổi xuất phát từ đường ra thất trái (ví dụ hẹp chủ) thường mềm hơn ở nhịp NTTT và mạnh hơn ở nhịp nghỉ bù, trong khi cường độ âm thổi do hở 2 lá không bị thay đổi.
IV. CHẨN ĐOÁN:
NTTT được chẩn đoán trước tiên dựa vào ECG.
NTTT có thể được chẩn đoán xác định bằng một bản ECG thường quy.
IV.1. Các tiêu chuẩn chung bao gồm (Hình 2):
- Phức bộ QRS đến sớm (so với nhịp cơ bản), có hình dạng bất thường, độ rộng > 0.12 sec (rộng hơn QRS của nhịp xoang).
- Có khoảng nghỉ bù sau nhịp đến sớm, thường là nghỉ bù hoàn toàn.
- Khoảng R-R chứa phức bộ QRS đến sớm bằng với 2 lần khoảng R-R cơ bản, điều này cho thấy nhịp ngoại vị  không làm ảnh hưởng (reset) nút xoang.
- Không có sóng P đi trước phức bộ QRS đến sớm. Tuy nhiên có thể có sóng P ngược sau NTTT do dẫn truyền ngược.
- Sóng T đi sau thường to và ngược hướng so với hướng chính của phức bộ QRS đến sớm.
ngoai-tam-thu-that-2
Hình 2: Ngoại tâm thu thất: phức bộ QRS đến sớm, rộng; Sóng T theo sau phức bộ QRS đến sớm có hướng ngược với hướng của QRS; Thời gian nghỉ bù hoàn toàn
IV.2. Một số đặc điểm cần lưu ý:
- Về thời gian nghỉ bù: Khoảng nghỉ sau NTTT gọi là khoảng nghỉ bù. Có sự liên quan giữa khoảng nghỉ bù và khoảng ghép. Khoảng ghép càng ngắn khoảng nghỉ bù càng dài. Sau NTTT thường có nghỉ bù hoàn toàn. Tuy nhiên, có những trường hợp do NTTT đến quá sớm và xung động dẫn truyền ngược lên nút xoang (trước khi nút xoang phát nhịp) và kích thích nút xoang, điều chỉnh lại (reset) nút xoang làm mất đi khoảng nghỉ bù hoàn toàn (Hình 3). Hoặc trong trường hợp NTTT xen kẽ (interpolated) cũng không có khoảng nghỉ bù hoàn toàn (Hình 4).
ngoai-tam-thu-that-3
Hình 3: Nhịp xoang tương đối chậm (60 lần/ph), một NTTT đến rất sớm (PVC), xung động được dẫn truyền ngược lên nhĩ kích thích nhĩ (P), nút xoang bị điều chỉnh lại (reset) làm mất khoảng nghỉ bù. Xung động khởi phát từ nút xoang với  sóng P (theo sau P) chưa kịp dẫn truyền được xuống thất, một nhịp thoát thất (E) xuất hiện.
ngoai-tam-thu-that-4
Hình 4: Nhịp NTTT xen kẽ (interpolated premature ventricular complex), theo sau bởi một nhịp xoang có khoảng PR tương đối dài.
- Khoảng ghép: là khoảng thời gian từ nhịp cơ bản đến nhịp NTT. Thường gặp khoảng ghép cố định (fixed), có thể thay đổi (variable) với NTTT đa ổ và nhịp lặp lại. Khi khoảng ghép thay đổi cần chẩn đoán phân biệt với phó tâm thu (parasystole, xem phần dưới).
- Về khoảng PR: PR của nhịp xoang sau khoảng nghỉ dài có thể ngắn hơn bình thường và PR sẽ dài hơn nếu sau NTTT xen kẽ (Hình 4).
- Hình dạng phức bộ QRS:
+ NTTT càng đến sớm & nguồn gốc càng xa đường dẫn truyền thì QRS càng biến dạng.
+ Đôi khi NTTT cũng có phức bộ QRS hẹp. Điều này được thấy khi NTTT xuất phát tại vị trí vách liên thất, có khoảng cách đến 2 thất bằng nhau và xuất phát ở phần cao của hệ thống Purkinje. Trong nhịp phối hợp (fusion beat) ta cũng có thể thấy phức bộ QRS hẹp.
+ Hình dạng phức bộ QRS của NTTT cũng phụ thuộc vào bệnh lý tim mạch. Đối với người không có bệnh tim biên độ của QRS thường lớn, bề rộng QRS tương đối hẹp và hình thể QRS không có khấc. Đối với những bệnh nhân có bệnh tim biên độ QRS thường nhỏ, độ rộng QRS rất rộng và hình thể có nhiều khấc (không trơn láng) (Bảng 2).
Bảng 2: Đặc điểm phức bộ QRS của NTTT liên quan đến bệnh tim.
Đặc điểm phức bộ QRS của NTTT
Bệnh nhân không có bệnh tim
Bệnh nhân với bệnh tim nặng
Biên độ (mm)
≥ 20
≤ 10
Bề rộng (ms)
120 - 160
≥ 160
Hình thể
Trơn láng, không có khấc
Có khấc và không đều

+ Hình dạng QRS giúp xác định vị trí của ổ phát nhịp ngoại vị. Hình dạng phức bộ QRS của NTTT giống kiểu block nhánh phải thường có nguồn gốc từ thất trái, giống kiểu block nhánh trái thường có nguồn gốc từ thất phải.
+ Điểm phát sinh xung động càng ở phần cuối của thần kinh dẫn truyền, hình ảnh của NTTT càng ít giống với hình ảnh của block nhánh, nhưng biên độ vẫn cao và T vẫn đảo ngược. Có trường hợp rất khó xác định vị trí phát ra xung động
+ Nghiên cứu đường chiếu của vectơ ngoại tâm thu trên các chuyển đạo mẫu của tam giác Einthoven, chúng ta có thể phân biệt được như sau:
- NTTT phải có trục nói chung hướng sang trái và hơi ngang nên có dạng trục trái, có Q'R'S' dương ở D1 và âm ở D3.
- NTTT trái có trục nói chung hướng sang phải nên có dạng trục phải, có Q'R'S' âm ở D1 và dương ở D3.
- NTT ở nền tim có trục hướng đi xuống, theo trục điện tim nên dạng trục trung gian, Q'R'S' ở cả 3 chuyển đạo D1,D2,D3 đều dương.
- NTT ở mỏm tim có trục đi ngược lên và sang phải nên Q'R'S' ở cả 3 chuyển đạo D1,D2,D3 đều âm.
- NTT ở vách, xung từ vách phát ra 2 tâm thất gần đồng thời, Q'R'S' rất ít biến dạng. Tuy nhiên vẫn không có sóng P' đi trước, vẫn đến sớm, có nghỉ bù, dịch nhịp v.v...
Bệnh nhân có bệnh tim thường hay có NTTT xuất phát từ thất trái, Bệnh nhân không có bệnh tim NTTT thường hay xuất phát từ thất phải.
- Biến đổi ST-T: luôn luôn có sự biến đổi bất thường ST-T của nhịp NTTT.
- Ảnh hưởng của NTTT lên hình dạng của nhịp kế tiếp: Sóng T của nhịp xoang đi sau nhịp NTTT có thể có hình dạng, biên độ hay hướng bất thường. Những biến đổi sóng T của nhịp xoang sau NTTT này thường xuất hiện sau nhịp NTTT xen kẽ hơn là sau NTTT có khoảng nghỉ bù hoàn toàn. Bệnh nhân với biến đổi sóng T của nhịp xoang theo sau NTTT có khoảng nghỉ bù luôn luôn có bệnh tim nội tại. Tuy nhiên, khi nó xuất hiện sau nhịp NTTT xen kẽ, bệnh nhân thường không có bệnh lý cấu trúc ở tim. Hình dạng QRS và T của nhịp xoang sau NTTT xen kẽ có bất thường do tái cực thất chưa hoàn toàn sau nhịp NTTT xen kẽ.
Ghi chú: Khi trong tay chưa có dữ kiện CLS nào để chẩn đoán và đánh giá NTTT, thì ECG là một xét nghiệm đơn giản, không xâm lấn, dễ có điều kiện thực hiện ở hầu như tất cả các cơ sở y tế. ECG ngoài giá trị để chẩn đoán xác định NTTT (các tiêu chuẩn nêu trên), còn có giá trị:
* Loại trừ hoặc phát hiện bệnh tim cấu trúc.
* Đánh giá tình trạng phì đại cơ tim.
* Trong nhiều trường hợp ECG còn giúp phát hiện ra nguyên nhân của NTTT ví dụ như: thiếu máu cơ tim cấp/NMCT (qua sự thay đổi của đoạn ST và sóng T); các bất thường điện giải (Sóng T tăng cao cấp, QT kéo dài); tác dụng của thuốc (QRS rộng và QT dài); bệnh cơ tim phì đại.
V. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT:
Đôi khi cũng gặp khó khăn trong chẩn đoán phân biệt giữa NTTT và các dạng rối loạn nhịp khác, như:
- Ngoại tâm thu nhĩ với dẫn truyền lệch hướng (Hình 5):
- Nhịp ngoại tâm thu có sóng P đi trước
- Thường không có khoảng nghỉ bù hoàn toàn (khoảng R-R chứa nhịp đến sớm ngắn hơn 2 lần khoảng R-R của nhịp cơ bản).
- QRS tương đối hẹp hoặc có dạng block nhánh P điển hình.
ngoai-tam-thu-that-5
Hình 5: Ngoại tâm thu nhĩ với dẫn truyền lệch hướng (mũi tên 2)
* Nhịp phối hợp: là sự hoạt hoá tâm thất đồng thời bởi 2 nguồn xung động có thể dẫn đến một nhịp đập với những đặc trưng dẫn truyền trung gian giữa nhịp xoang và nhịp ngoại tâm thu thất (Hình 6 a và b).
* Ngoại tâm thu bộ nối: Khởi phát rối loạn nhịp do tự động tính hoặc vòng vào lại ở tổ chức bộ nối nhĩ thất. Sóng P thường đảo ngược do xung động được dẫn truyền ngược lên nhĩ để khử cực nhĩ. Phức bọ QRS thường hẹp (Hình 7 a và b).
ngoai-tam-thu-that-6
Hình 6a: sau NTTT có một nhịp đập phối hợp (F: Fusion beat) xuất hiện sau một nhịp NTTT do nhịp xoang xảy ra tương đối sớm.
ngoai-tam-thu-that-7
Hình 6b: nhịp phối hợp là nhịp có hình dạng trung gian giữa nhịp xoang và NTTT (mũi tên).
* Nhịp thoát tự thất: Một ổ phát nhịp ở tâm thất sẽ dẫn nhịp trong trường hợp các chủ nhịp ở nút xoang và nút nhĩ thất bị suy yếu (không thực hiện được chức năng dẫn nhịp nữa). Trên ECG là phức bộ QRS rộng đến trễ
(RR'> RR). Thường là tần số rất chậm (<45 lần/ph), đây là yếu tố giúp phân biệt nhịp thoát thất với các dạng rối loạn nhịp khác (hình 8).
ngoai-tam-thu-that-8
Hình 7a: Sơ đồ bậc thang mô tả sự dẫn truyền xung động trong trường hợp có ngoại tâm thu: (A) Nhịp xoang, (B) Ngoại tâm thu nhĩ , (C) Ngoại tâm thu nút, (D) Ngoại tâm thu thất.
ngoai-tam-thu-that-9
Hình 7b: ngoại tâm thu bộ nối (mũi tên) và NTTT
Hình 8: Nhịp thoát thất. A: nhịp xoang quá chậm nên thất đứng ra phát nhịp (mũi tên). B: sau NTTT, nút xoang chưa kịp phát nhịp, thất đã đứng ra phát nhịp (E)
ngoai-tam-thu-that-10
Nhịp nhanh thất: Khi có ≥ 3 NTTT liên tiếp xảy ra được gọi là nhịp nhanh thất. Nhịp nhanh thất kéo dài tới 30 giây hoặc làm rối loạn huyết động - tụt huyết áp - được gọi là NTTT dai dẳng (Hình 9).
ngoai-tam-thu-that-11
Hình 9: NTTT khởi phát cơn nhịp nhanh thất
Phó tâm thu: phó tâm thu hay cận tâm thu xảy ra khi một ổ phát nhịp được bảo vệ phát xung động một cách độc lập với trung tâm dẫn nhịp đang chiếm ưu thế (thường là nút xoang). Nhịp phó tâm thu thường thấy ở thất, ít khi gặp ở nhĩ hoặc ở nút nhĩ thất. Trung tâm phó tâm thu sẽ phát xung động liên tục, nhịp nhàng có một tần số độc lập. Bản thân nó được tự bảo vệ chống lại xung động của trung tâm dẫn nhịp nguyên uỷ, nhờ một vùng theo cơ chế chỉ được dẫn truyền theo một chiều. Cho nên cũng không bị ảnh hưởng của xung động nút xoang mặc dù xung động từ xoang đã đến cơ thất. Nhịp tim sẽ không đều và trên ECG phó tâm thu là các phức bộ QRS rộng với những đặc điểm sau (Hình 10 a,b,c):
+ Khoảng ghép giữa nhịp ngoại vị  (phó tâm thu) và nhịp đang chiếm ưu thế - nhịp cơ bản (thường là nhịp xoang) không đồng đều. So với NTTT (đơn ổ) đây là điểm khác biệt. Trên một dòng điện tim các hình ảnh gần giống NTTT, có khoảng ghép không đồng đều, chênh nhau từ 0,06 giây trở lên, nên nghĩ đến nhịp phó tâm thu thất. Nhịp phó tâm thu có thể xuất hiện rất gần với nhịp cơ bản (sớm) và cũng có thể xuất hiện rất chậm sau nhịp cơ bản.
+ Khoảng cách giữa các nhịp phó tâm thu lại rất đều nhau hoặc giữa chúng có chung một ước số chung lớn nhất. Khi khoảng cách giữa các nhịp bất thường lại xuất hiện rất đều nhau, chứng tỏ ổ kích thích bất thường có xung động độc lập, theo một chu kỳ nhất định không bị lệ thuộc vào xung động của các nút, và xung động sinh lý. Có nhiều tác giả nêu lên, thời gian xuất hiện các nhịp phó tâm thu cho phép xê dịch khoảng 0,02 giây.
+ Thường xuất hiện nhịp phối hợp: Nếu 2 xung động từ hai ổ tự động khác nhau đều đến cơ thất đồng thời, tất nhiên mỗi xung động sẽ có ảnh hưởng đến một vùng cơ thất, trên điện tim là một hình ảnh có tính phối hợp. Trên thực tế khi gặp nhịp phó tâm thu thất thì dễ gặp nhịp phối hợp. Càng rõ khi nhịp cơ bản có tần số nhanh, như nhịp xoang nhanh, hoặc nhịp xoang không đều.
+ Điểm đáng chú ý: nhịp phó tâm thu thường báo hiệu cơ tim đã có tổn thương thực thể, khác hoàn toàn với NTTT về tiên lượng.
ngoai-tam-thu-that-12
Hình 10a: Sơ đồ mô tả phó tâm thu
ngoai-tam-thu-that-13
Hình 10b: Sơ đồ mô tả tính toán khoảng block đường ra của phó tâm thu thất.
ngoai-tam-thu-that-14
Hình 10c: Hình minh hoạ 2 trường hợp phó tâm thu thất
VI. TẦM SOÁT CÁC YẾU TỐ KHỞI PHÁT VÀ NGUYÊN NHÂN:
VI.1. Xét nghiệm máu: Nhằm phát hiện những nguyên nhân gây NTTT có thể điều trị được.
VI.1.1. Xét nghiện ion đồ: Quan trọng nhất là kiểm tra nồng độ potassium trong máu; cũng cần kiểm tra magnesium đặc biệt trên những bệnh nhân có nồng độ potassium thấp.
VI.1.2. Tầm soát các thuốc gây rối loạn nhịp (drug screen): Ở một số bệnh nhân chọn lọc, việc tầm soát các thuốc gây rối loạn nhịp có thể có ích.
VI.1.3. Kiểm tra nồng độ thuốc trong máu (drug levels): Đối với những bệnh nhân đang dùng thuốc mà ta nghi ngờ có tác dụng gây rối loạn nhịp (ví dụ như: digoxin, theophylline), nên làm xét nghiệm để kiểm tra nồng độ thuốc trong máu. Điều này rất có ích để giúp cho hướng xử trí đúng đắn.
VI.1.4. Các XN về men tim nếu nghi ngờ NMCT (đặc biệt trong bệnh cảnh cấp tính).
VI.1.5. Đôi khi NTTT là do bệnh nhiễm trùng. Điều này có thể phát hiện qua các XN.
VI.2. Khảo sát hình ảnh:
- Tìm những bất thường trong cấu trúc của tim có thể gây nên NTTT.
- Lượng giá mức độ rối loạn chức năng thất trái bằng các kỹ thuật không xâm lấn như siêu âm timxạ ký tim.
- Siêu âm tim được ưu tiên thực hiện hơn vì nó còn cho thấy được các bất thường cấu trúc của tim. Ngoài ra đây cũng là một XN hoàn toàn vô hại và dễ thực hiện hơn nhiều so với xạ ký tim.
VI.3. Các test thăm dò khác:
VI.3.1. Theo dõi nhịp 24 giờ (Holter) rất có ích để xác định bản chất và đặc điểm của NTTT.
- Holter cũng được dùng để đánh giá hiệu quả điều trị trên những bệnh nhân có NTTT thường xuyên hoặc phức tạp.
- Khả năng khống chế được NTTT trên Holter monitoring không phải luôn luôn có ý nghĩa tiên lượng về khả năng sống còn.
- Vai trò quan trọng nhất của Holter monitoring là phân tầng nguy cơ cho những bệnh nhân mới bị NMCT hoặc những bệnh nhân đã biết có rối loạn chức năng thất trái.
VI.3.2. ECG tín hiệu trung bình (SAECG): là điện tâm đồ khuếch đại nhằm cố gắng khám phá sự dẫn truyền với điện thế thấp xuyên qua những vùng cơ tim bị sẹo hoá do NMCT. Do sự dẫn truyền chậm qua vùng cơ tim bị sẹo hoá, nên sự hoạt hoá muộn các tế bào cơ tim ở vùng này có thể xảy ra sau khi kết thúc phức bộ QRS trên điện tâm đồ bề mặt. Sự hiện diện của điện thế muộn chứng tỏ có sự tồn tại yếu tố gây nên vòng vào lại. Các điện thế muộn thường là rất thấp nên không thể phát hiện được trên ECG chuẩn. Muốn phát hiện điện thế muộn, người ta áp dụng kỹ thuật trung bình tín hiệu (signal-average) để làm giảm nhiễu điện trường, và ghi lại dòng điện với độ khuếch đại cao về biên độ.
- SAECG có thể có vai trò quan trọng trong tương lai nhằm xác định những Bệnh nhân có nguy cơ bị NTTT phức tạp và Nhịp nhanh thất không dai dẵng (NSVT).
- SAECG có thể có vai trò trong xác định những Bệnh nhân có NTTT phức tạp cần phải nghiên cứu điện sinh lý (EPS).

VI.3.3.Đo ECG gắng sức để bổ sung cho ECG Holter rất tốt. Ở những Bệnh nhân với NTTT phức tạp, ECG gắng sức có thể làm lộ ra các NSVT không dai dẳng được khởi kích (trigger) bởi các catecholamines hoặc do thiếu máu cục bộ cơ tim.
VI.3.4.Nghiên cứu điện sinh lý (EPS): hiếm khi thực hiện, chủ yếu vì mục đích khác (điều trị, chẩn đoán phân biệt nhịp trên thất dẫn truyền lệch hướng hoặc hội chứng kích thích sớm).
VI.3.5.Thông tim và chụp động mạch vành để xác định bất thường cấu trúc động mạch vành trong một số trường hợp chọn lọc.
VII. PHÂN LOẠI & ĐÁNH GIÁ:
Có nhiều cách phân loại.
VII.1. Phân loại theo Lown (Bảng 3): phân loại này được giới thiệu để đo lường hiệu quả tác dụng của các thuốc chống loạn nhịp. Ngoài ra, phân loại này cũng cho biết được tiên lượng, độ càng cao tiên lượng càng nặng. Từ đó có hướng xử trí thích hợp.
Độ
Rối loạn nhịp
0
Không có NTTT
1
NTTT đơn dạng, không thường xuyên (unifocal; <30/h)
2
NTTT đơn dạng, thường xuyên (unifocal; ³30/h)
3
NTTT đa dạng (multiform)
4A
NTTT cặp (2 consecutive)
4B
NTTT chuỗi (³ 3 consecutive)
5
NTTT có dạng R-on-T
Bảng 3: Phân loại NTTT của Lown
VII.2. Phân loại dựa vào tần suất:
* Thường xuyên (frequent): ≥ 10 NTTT/giờ (theo dõi trên Holter) hoặc ≥ 6 NTTT/phút khi khám
* Thỉnh thoảng (occasional): < 10 NTTT/giờ (theo dõi trên Holter) hoặc < 6 NTTT/phút khi khám.
VII.3. Phân loại dựa vào mối liên hệ với nhịp cơ bản:
* NTTT nhịp đôi (Bigeminy-paired complexes): NTTT xen kẽ với 1 nhịp bình thường (Hình 11a và b) hoặc nhịp đôi ẩn khi các NTTT cách nhau bởi 2n+1 số nhịp xoang.
TMCT-9
* NTTT nhịp ba (Trigeminy): Cứ 3 nhịp có một NTTT, 2 nhịp xoang theo sau một NTTT hoặc nhịp 3 ẩn (NTTT cách nhau bởi 3n+2 số nhịp xoang, hình 12 a và b).
TMCT-10
* NTTT cặp (couplet) 2 NTTT liên tiếp nhau.
* NTTT thất cuối tâm trương: NTTT xuất hiện vào cuối thời kỳ tâm trương nên hình ảnh ECG sẽ là hình ảnh của NTTT nhưng xuất hiện sau sóng P, làm khoảng PR ngắn, RR' < RR. Trong trường hợp này, cần chẩn đoán phân biệt với hội chứng WPW từng lúc. Điểm khác biệt là trong WPW có sóng delta và tổng thời gian PQRS của nhịp có PR ngắn và không ngắn đều bằng nhau, trong khi đối với NTTT cuối tâm trương sẽ không có sóng delta và tổng thời gian PQRS của nhịp có PR ngắn < thời gian PQRS bình thường (hình 123).
TMCT-11
* Nhịp nhanh thất không dai dẳng (Nonsustained VT):≥ 3 NTTT liên tiếp (<30 s) (Hình 8).
VII.4. Phân loại dựa vào nguồn gốc NTTT:
* Số lượng ổ phát nhịp:
- Đơn dạng/đơn ổ: các nhịp NTTT xuất phát từ 1 một ổ, nghĩa là các NTTT có cùng một dạng.
- Đa dạng/đa ổ: Các nhịp NTTT xuất phát từ nhiều ổ (>1 ổ) khác nhau, nghĩa là các NTTT có nhiều dạng khác nhau (hình 14).
TMCT-12
* Vị trí khởi phát:
- NTTT phải
* Liên quan với bệnh tim:
- Không có bệnh tim (NTTT vô căn)
- Có bệnh tim cơ bản.
VII.5. Tiên lượng: Liên hệ tới đột tử.
Không phải tất cả bệnh nhân có NTTT đều tăng nguy cơ đột tử do tim.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột tử do tim bao gồm:
- Có bệnh tim, loại bệnh tim.
- NTTT thường xuyên và phức tạp (R-on-T, đa dạng, thành cặp, nhiều NTTT liên tiếp)
- Đang dùng thuốc,
- Có sự hiện diện đồng thời của các bệnh khác.
Nếu bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh trên lâm sàng, thì sự xuất hiện các NTTT đơn giản có vẻ như không làm tăng nguy cơ đột tử.
Ngược lại, nếu bệnh nhân có bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim mà có NTTT là có tăng nguy cơ đột tử do tim (ĐTDT), đặc biệt là có giảm chức năng co bóp tâm thất. Chẳng hạn như, sự kết hợp của NTTT phức tạp và suy tim làm tăng nguy cơ ĐTDT lên gấp 6 lần. Hầu hết các trường hợp tử vong trong 6 tháng đầu sau NMCT xảy ra ở bệnh nhân có phân suất tống máu thất trái giảm (<0,4) và NTTT phức tạp.
VIII. ĐIỀU TRỊ
VIII.1. Các biện pháp:
VIII.1.1. Điều trị không dùng thuốc:
- Xoa xoang cảnh có thể làm tăng hay giảm biểu hiện ngoại tâm thu. Tránh dùng các chất kích thích như rượu, cafe, thuốc lá nếu nó là nguyên nhân gây NTTT. Nếu do lo âu, dùng thuốc an thần...
Viii.1.2. Điều trị bằng thuốc:
- Mặc dù các thuốc dưới đây đều có tác dụng ức chế NTTT nhưng các bác sĩ ít khi sử dụng để điều trị cho bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân không cần điều trị đặc hiệu trừ khi là NTTT nguy hiểm đe doạ tính mạng hay có triệu chứng nặng. Các thuốc chống loạn nhịp có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt khả năng gây loạn nhịp (pro-arrhythmia) và giảm chức năng thất. Dưới đây giới thiệu một số thuốc được dùng để điều trị NTTT
VIII.1.2.1. Amiodaron:
- Là thuốc chống loạn nhịp nhóm III, có tác dụng làm giảm số lượng và mức độ nguy hiểm của NTTT ở nhiều bệnh nhân:
- Sau nhồi máu cơ tim.
- Trong gắng sức.
- Bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc chống loạn nhịp  khác.
- Viêm cơ tim mạn tính.
- Giảm chức năng tim.
- Bệnh  động mạch vành ổn định.
- Theo nhiều nghiên cứu, thuốc có hiệu quả hơn trong điều trị NTTT so với các thuốc nhóm Ia, Ib và nhóm II.
- Liều: liều tấn công là 800-1600mg/ngày, tùy mức độ nguy hiểm của loạn nhịp, chia 2-4 lần và kéo dài 7-14 ngày (tổng liều tấn công khoảng 10g). Sau đó duy trì 200-400mg/ngay, thậm chí có thể thấp hơn (100mg/ng). Trong thực hành, liều tấn công thường 600mg/ngày
VIII.1.2.2. Thuốc ức chế bêta:
- Thuốc có tác dụng ức chế NTTT và giảm mức độ nguy hiểm của NTTT ở nhiều bệnh nhân:
- Bệnh mạch vành tim sau phẫu thuật bắc cầu.
- Sa van hai lá.
- Nhồi máu cơ tim cả cấp và mạn.
- Thuốc không có tác dụng giảm ngoại tâm thu thất xuất hiện sau tiêu sợi huyết.
- Thuốc cũng có tác dụng giảm ngoại tâm thu thất xảy do gắng sức.
Tuy nhiên thuốc không làm giảm NTTT ở bệnh nhân bệnh cơ tim phì đại lúc nghỉ cũng như lúc gắng sức.
- Thuốc có hiệu quả hơn khi kèm nhịp tim nhanh, do stress...
- Các thuốc ức chế bêta có tác dụng trên NTTT là: Metoprolol, Atenolol (50mg × 2 lần ngày),  Pindolol (2,5-7,5mg × 3 lần/ngày) và Propranolol (40mg ×2-4 lần/ngày).
VIII.1.2.3. Ức chế calci: thuốc chỉ nên sử dụng khi NTTT là hậu quả của thiếu máu cấp do co thắt ĐMV. Thường dùng diltiazem, liều 120-360mg/ngày.
VIII.1.2.4. Corticosteroid: chỉ định khi NTTT do viêm cơ tim ở trẻ em.
VIII.1.2.5. Digitalis: không được sử dụng.
VIII.1.2.6. Disopyramide: là thuốc nhóm Ia, có hiệu quả tương tự Procainamide, Quinidine, Mexiletine và Lidocaine. Thuốc kém hiệu quả hơn Propafenone. Thuốc không có hiệu quả ở bệnh nhân NMCT. Chỉ được chỉ định điều trị cho bệnh nhân NTTT không có bệnh tim hay bị bệnh cơ tim phì đại. Liều 100mg 3-4 lần/ngày.
VIII.1.2.7. Flecainamide: chỉ dùng điều trị ở b?nh nhân không có bệnh tim. Do thuốc làm tăng tỉ lệ tử vong ở người có bệnh tim --> không được sử dụng. Liều 100-200mg × 2 lần/ngày.
VIII.1.2.8. Lidocaine: Có tác dụng tốt, thường dùng trong cấp cứu, đặc biệt do NMCT. Thường dùng đường tĩnh mạch (xem dưới).
VIII.1.2.9. Magne và Kali:
- Chỉ có tác dụng khi NTTT do rối loạn điện  giải (thường cho đồng thời cả hai).
- Ở bệnh nhân NMCT cấp với suy tim xung huyết, Magnesulfate có thể  có tác dụng làm giảm NTTT mặc dù không có giảm Magne.
- Liều lượng: 1,5g  tiêm TM/ 2', sau đó Truyền TM 0,5 -2g/h (không quá 30g/ ngày).
Chú ý: tránh dùng cho bệnh nhân mẫn cảm với Magnesulphat và bệnh nhân bị block tim, bệnh nhân bị bệnh Addison , viêm gan nặng.
VIII.1.2.10. Phenytoine: (Ib)
- Hiệu quả trong NTTT do ngộ độc Digital. Hiện nay ít dùng. Liều 100mg × 4 lần/ng. Duy trì 200mg/ngày
VIII.1.2.11. Propafenone: (Ic)
- Thuốc thuộc nhóm Ic có tác dụng ức chế bêta nhẹ. Chỉ dùng điều trị bệnh nhân không có bệnh tim. Hiệu quả hơn Disopyramide nhưng kém hơn Procainamide. Liều 150mg × 3 lần/ngày
VIII.1.2.12. Sotalol: (nhóm III)
- Hiệu quả điều trị NTT thất. Liều 160-320mg/ngày chia 2 lần
VIII.1.3. Phẫu thuật: phẫu thuật bắc cầu làm giảm tỉ lệ NTTT ở bệnh nhân do bệnh ĐMV mạn.
VIII.1.4. Đốt điện: có thể có hiệu quả. Chỉ định khi:
- NTTT có triệu chứng, thường xuyên, đơn dạng kháng trị với điều trị nội hoặc BỆNH NHÂN không muốn dùng thuốc dài hạn.
- NTTT gây cơn nhịp nhanh thất liên tục và nguy hiểm
VIII.2. Chỉ định điều trị:
VIII.2.1. Người không có bệnh tim:
- Không triệu chứng: không điều trị bất chấp hình dạng và tần số NTTT.
- Có triệu chứng: phải điều trị (dùng biện pháp không đặc hiệu hoặc đặc hiệu bằng thuốc chống loạn nhịp).
VIII.2.2. Người có bệnh tim:
- Điều trị khi NTTT nguy hiểm.
- NTTT là hậu quả ngộ độc Digital.
VIII.3. Nguyên tắc điều trị:
- Điều trị yếu tố khởi phát (rối loạn điên giải, kiềm toan, ngộ độc digital và các chất khác, thiếu oxy, suy tim, thiếu máu cục bộ).
- Điều trị bệnh tim nền.
- Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu.
VIII.4. Điều trị các tình huống cụ thể:
VIII.4.1. Người không có bệnh tim:
- Điều trị thường quy NTTT ở người không có bệnh tim là không cần thiết.
- Chỉ định điều trị khi bệnh nhân có triệu chứng và xảy ra thường xuyên làm bệnh nhân không chịu đựng được.
- Điều trị :
* Thay đổi lối sống (biện pháp không đặc hiệu).
+ Hạn chế rượu , thuốc lá, cafe, stress.
+ An thần.
* Nếu không hiệu quả  dùng thuốc:
+ Ức chế bêta: propranolol 5 -20 mg  4 lần/ngày hay liều lượng tương đương các ức chế beta khác.
+ Các thuốc nhóm I (ít dùng hơn)
+ Thời gian điều trị # 1 tháng.
VIII.4.2. NTTT ở người có bệnh tim trong tình huống cấp tính: (NMCT cấp, hở van ĐMC cấp...)
- Nguyên tắc xử lý trong các tình huống cấp cứu là tìm và điều chỉnh ngay những nguyên nhân có thể hồi phục được như thiếu oxy, hạ kali máu, hạ magnesium máu, ngộ độc digoxin...
- Những bệnh nhân có bệnh tim, những bệnh nhân có rối loạn nhịp do ngộ độc thuốc và những trường hợp rối loạn điện giải cần phải được điều trị. Đầu tiên thiết lập hệ thống theo dõi từ xa (telemetry), lập đường truyền tĩnh mạch (giữ vein), đo ECG 12 chuyển đạo.
- Những trường hợp thiếu oxy: phải điều trị nguyên nhân gây thiếu oxy; phân tích khí máu và cung cấp oxy cho Bệnh nhân.
- Các trường hợp ngộ độc thuốc: Cần phải được điều trị giải độc đặc hiệu. Chẳng hạn ngộ độc digoxin (dùng kháng thể Fab, xem phần dưới), ngộ độc tricyclics (dùng bicarbonate), ngộ độc aminophylline (rửa dạ dày, và nếu có thể được phải lọc máu).
- Điều chỉnh cân bằng điện giải, đặc biệt đối với Potassium, Magnesium và Calcium. Potassium rất cần thiết trong việc điều trị NTTT do ngộ độc digitalis (tất nhiên phải trong tình huống hạ Kali máu). Liều pha 20-30mEq (Kali chlorure) trong 500ml dung dịch mặn đẳng trương, tốc độ truyền 0,5 mEq/phút. Nếu không đòi hỏi điều trị khẩn cấp, nên bù Kali bằng đường uống: 4g/ngày (50mEq) chia 4 lần. Chống chỉ định bù Kali khi bệnh nhân có block nhĩ thất, tăng Kali máu. Magnesium cũng được xem như là một loại thuốc chống loạn nhịp, nó làm giảm NTTT đặc biệt là khi NTTT xảy ra thứ phát sau thiếu máu cơ tim cấp. Liều dùng (đã nêu phần trên)
VIII.4.2.1. Trong bệnh cảnh thiếu máu cơ tim cấp/NMCT:
* Chẩn đoán sớm và điều trị tốt thiếu máu cơ tim cấp, NMCT cấp là nguyên tắc cơ bản nhất.
* Những NTTT báo động (warning) với nghĩa là nặng và nguy hiểm vì dễ dẫn đến kịch phát thất (là các NTTT dạng R-on-T, đa ổ, thành tràng, thường xuyên) cần được theo dõi sát và điều trị ngay nếu nó làm tăng tình trạng thiếu máu hay rối loạn huyết động.
* Ngày nay người ta khuyên không nên sử dụng một cách thường qui Lidocaine và các thuốc chống loạn nhịp nhóm I khác vào lúc khởi đầu NMCT cấp. Kể cả khi có NTTT xuất hiện ngay sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (điều này rất thường gặp).
* Chỉ điều trị khi NTTT gây rối loạn huyết động, thiếu máu cục bộ cơ tim hay khởi phát nhịp nhanh thất dai dẳng.
* Lidocaine vẫn còn được dùng như là thuốc đầu tiên vì rất ít độc tính như giảm lực co cơ tim hay giảm dẫn truyền. Do thời gian bán huỷ của thuốc rất ngắn, chỉ 20 phút, nên liều tấn công phải tiêm tĩnh mạch nhanh (bolus) nhiều lần liên tiếp cách nhau 5 phút, lần đầu 80mg, các lần sau 50mg, tổng liều không quá 230mg (không quá 3 lần). Nếu xoá được NTTT thì chuyển sang duy trì từ 1 - 4mg/phút truyền có thể liên tục vài ngày, không quá 4 ngày. Nếu không xoá được NTTT thì chuyển sang thuốc khác (chứ không cho liều duy trì).
* Ức chế bê-ta được chứng minh là có hiệu quả trong bệnh cảnh NMCT cấp và cũng khá an toàn. Có thể sử dụng thuốc ức chế bê-ta như là biện pháp đầu tiên nếu không có chống chỉ định (suy tim mất bù, nhịp tim chậm, choáng tim, block nhĩ thất, hen suyển); lúc tiêm IV chú ý theo dõi sát nhịp tim và HA (trên monitor). Metoprolol 5mg IV, tiêm nhắc lại mỗi 2 phút nếu cần, đến 3 lần trong các tình huống cấp cứu đặc biệt là NMCT. Esmolol liều tải IV 500mg/kg/phút x 1 phút, sau đó duy trì 50mg/kg/phút x 4 phút; quan sát trong 5 phút nếu không đáp ứng, lập lại liều tải và theo sau đó là liều duy trì 100mg/kg/phút; nếu sự đáp ứng không thoả đáng có thể tiếp tục tăng dần liều duy trì lên mỗi lần và thêm 50mg/kg/phút sau khi lập lại liều tải (liều duy trì cho phép tới 200mg/kg/phút x 4 phút). Propranolol IV 0,1mg/kg chia làm nhiều lần tiêm, mỗi lần 1mg, cách nhau 2 phút hoặc khi cần. Thuốc tiêm chỉ được dùng trong khoảng thời gian < 4 giờ, sau 4 giờ chuyển sang dạng uống.
* Amiodarone thay cho ức chế bê-ta nếu ức chế bê-ta bị chống chỉ định. Amiodarone rất ít làm giảm chức năng cơ tim (chỉ giảm khi tiêm quá nhanh) nên dùng tốt khi tim có chức năng giảm hoặc suy, nghi NMCT, hay có block nhánh. Cần tiêm thẳng vào trong tĩnh mạch trung tâm và nếu có thể qua một ống thông (do thuốc có hàm lượng iốt cao, tiêm TM ngoại biên có thể gây viêm TM). Ống 150mg = 2ml pha thành 10ml tiêm trong 10 phút. Nếu có đáp ứng nhưng sau đó tái phát lại, có thể lập lại liều như trên cho đến 6-8 ống/24 giờ. Hoặc tiêm IV chậm 15mg/phút x 10 phút, nếu có đáp ứng thì truyền tiếp với liều lượng 1mg/phút x 6 giờ, sau đó duy trì với liều lượng  0,5mg/phút. Sau 24 giờ chuyển sang dạng uống.
VIII.4.2.2. Trong suy tim nặng, phù phổi cấp, viêm cơ tim cấp, viêm màng ngoài tim:
- Là tổn thương hay có NTTT.
- Chỉ điều trị loạn nhịp cho đến khi bất thường huyết động hay đến khi bệnh cơ bản được giải quyết.
- Trong viêm cơ tim và viêm màng tim, thuốc chống loạn nhịp phải được dùng liên tục ít nhất 02 tháng sau khi các dấu hiệu lâm sàng đã hết. Lúc này, đánh giá lại bệnh nhân bằng Holter nhịp/ 24h sau khi đã cắt hết thuốc chống loạn nhịp. Nếu không còn NTTT nguy hiểm --> ngưng luôn thuốc chống loạn nhịp. Nếu xuất hiện lại NTTT nguy hiểm --> cho tiếp lại thuốc chống loạn nhịp 02-03 tháng nữa. Thường thuốc không điều trị quá 06 tháng.
VIII.4.3. Ngoại tâm thu thất trong bệnh lý tim mạn tính:
Nguy cơ tử vong tăng cao khi: bệnh nhân bị bệnh mạch vành mạn tính, bệnh tim do tăng huyết áp, bệnh cơ tim với EF < 30%.
VIII.4.3.1 Các thể lâm sàng:
* Sau NMCT và suy tim:
- Ức chế bêta được chỉ định cho bệnh nhân  NMCT không triệu chứng hay có triệu chứng nhẹ nếu NTTT là nguy hiểm.
- Amiodaron: chỉ định khi kèm suy tim nặng sau NMCT.
- Cần nghiên cứu điện sinh lý cho những bệnh nhân đột tử  VT < 48h, NTTT kèm suy tim nặng, đau thắt ngực kéo dài.
- Nghiên cứu  đặt máy phá rung tự động trong tim.
* Bệnh cơ tim:
- Bệnh cơ tim phì đại hay dãn nở thường hay có NTTT và là yếu tố nguy cơ cao cho tử vong.
- Hiệu quả của thuốc chống loạn nhịp chưa chắc chắn.
- Thuốc thường dùng:
. Nhóm III dùng khi có suy tim nặng.
. Nhóm I a&b dùng cho bệnh cơ tim phì đại không có suy chức năng tâm thu thất trái.
. Có thể dùng thuốc chẹn beta.
* Sa van 02 lá:
- Chỉ điều trị nhóm bệnh nhân nguy cơ cao cho loạn nhịp nhanh thất: Bệnh nhân có NTTT nguy hiểm và biến đổi ST-T không đặc hiệu ở DII, DIII  và  aVF.
- Thuốc dùng hàng đầu là ức chế bêta.
VIII.4.3.2. Mục đích điều trị:
+ Ức chế hoàn toàn ≥ 02 NTTT liên tiếp và nhịp nhanh thất không dai dẳng.
+ Xoá ≥ 70% toàn bộ số NTTT dựa trên sự theo dõi Holter nhịp.
VIII.4.3.3. Lựa chọn thuốc trong điều trị NTTT/bệnh tim mạn tính:
Việc lựa chọn thuốc chống loạn nhịp để điều trị bệnh nhân loạn nhịp NTTT nguy cơ cao cần dựa trên:
- Khả năng gây loạn nhịp của thuốc chống loạn nhịp.
- Khả năng gây tác dụng phụ của thuốc chống loạn nhịp.
- Khả năng gây ức chế co bóp cơ tim.
VIII.4.4.mNhịp chậm và NTTT:
* Nhịp chậm có thể gây NTTT
* Trong tình huống cấp tính:
- Điều trị nguyên nhân (can thiệp tái tưới máu nếu do NMCT ST chênh lên...)
- Dùng Atropine, Isuprel để nâng nhịp tim lên.
- Nếu không hiệu quả có thể Pacing tạm thời để tăng nhịp tim lên.
- Nếu nhịp tim tăng lên  NTTT vẫn còn và nguy hiểm  mới điều trị thuốc chống loạn nhịp.
- Nếu nhịp tim tăng, NTTT hết --> duy trì ở tần số đó.
- Có thể sử dụng truyền Magnesium. Chúng tôi đã cấp cứu những bệnh nhân có NTTT kèm nhịp tim chậm do chấn thương sọ não...bằng truyền Magnesium có kết quả tốt.
* Trong tình huống mạn tính:
- Tìm nguyên nhân nhịp chậm, đặc biệt suy nút xoang. Chỉ điều trị khi thật cần thiết.
- Làm tăng nhịp bằng các thuốc nhóm Xanthyl hay kích thích bêta 2 nếu không có chống chỉ định.
- Nếu có chỉ định đặt máy tạo nhịp, thực hiện đặt máy tạo nhịp trước.
VIII.4.5. Do ngộ độc Digital:
+ NTTT là loạn nhịp hay gặp do ngộ độc Digital cũng như block AV và nhịp nhanh bộ nối.
+ Hay có NTT nhịp đôi.
+ Dấu hiệu loạn nhịp ở 769 bệnh nhân ngộ độc Digital:
NTTT:                       349
Bloc AV độ II & III :   176
Nhịp nhanh bộ nối:    172
Nhịp thoát bộ nối:     112
PAT với bloc:             98
Nhịp nhanh thất:        77
Block xoang nhĩ:        22
+ Điều trị:
- Ngưng  Digitalis.
- Ngưng các thuốc làm tăng nồng độ Digoxin (Verapamine, Quinidine...)
- Ngưng các thuốc làm tăng tác dụng loạn nhịp. Vd: bệnh nhân kèm block AV ngưng ức chế bêta.
- Bù K+ (như đã nêu trên)
- Bù Magnesium nếu có giảm Magnesium máu.
- Dùng thuốc chống loạn nhịp:
. Lidocain (khi cần phải điều trị cấp cứu).
. Phenyltoin 0,1g: 2 -3 v/ ngày, nếu có dạng tiêm dùng đường truyền TM nếu là NTTT nguy hiểm. Liều: 100 mg TM mỗi 05' cho đến khi đạt tổng liều 1000 mg hay  có xuất hiện tác dụng phụ.
. Ức chế bêta: dùng khi không kèm block AV, block xoang nhĩ, thường dùng loại có thời gian bán hủy ngắn như Esmolol (vấn đề  này còn đang bàn cãi).
- Các thuốc nên tránh: Quinidine, Amiodaron, ức chế Calci, (Verapamine).
- Dùng kháng thể kháng Digoxin đặc hiệu nếu không hiệu quả.
IX. KẾT LUẬN
- NTTT là loại loạn nhịp thường gặp nhất với tần suất tăng theo tuổi. Thường gặp ở nam hơn ở nữ. Ở người khoẻ ít khi có NTTT nguy hiểm. NTTT thường xuất hiện ở bệnh nhân NMCT, đặc biệt NMCT nặng, bệnh nhân tái tưới máu. Các bệnh khác hay có NTTT gồm: sa van 02 lá, bệnh cơ tim, bệnh tim do tăng HA, bệnh phổi, bệnh tim bẩm sinh, phẫu thuật tim, rối loạn chuyển hoá.
- Hồi hộp là triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất. Việc chẩn đoán dựa vào bắt mạch, nghe tim và đo ECG. Nên ghi Holter nhịp để đánh giá mức độ và tiên lượng NTTT.
- Một số bệnh nhân bị NTTT cần điều trị đặc hiệu. Cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định điều trị cũng như lựa chọn thuốc điều trị.

1. Castellanos.A et al: Parasystole. In Zipes.DP & Jalife.J: Cardiac electrophysiology. From cell to bed side. 2th 1998: 942-935.
2. Douglas P. Zipes: Specific arrhythmias: Diagnosis and Treatment; Brounwald's heart disease. 8th 2008: 863-922.
3. Kaztor.JA: Ventricular Premature Beats. In Arrhythmias. 2th 2000; p: 294-342.
4. Mackall.JA & Carlson.MD: Ventricular and supraventricular arrhythmias in AMI. In Brown.DJ & Jeremias.A: Cardiac intensive care. 2th 2010: 241-250.
5. Opie. LH et al: Antiarrhythmic Drugs and Strategies. In Drugs for the Heart. 7th 2009; p: 235-292.
6. Podrid. PJ et al: Clinical significance and treatment of ventricular premature beats. UpToDate 18.2 . 2010.
7. Robert Fowles, Francisco Talavera, Brian Olshansky, Amer Suleman: Ventricular premature complexes; eMedicine Journal, 21/3/2002, Volume 3, Number 3.
8. Rubin.AM et al: Ventricular premature depolarization. In Podrid. PJ & Kowey. PR: Cardiac arrhythmia-  mechanisms, diagnosis, and management. 1995: 891-906.
9. Sarah Stahmer, Edwin williams: Premature ventricular contraction; eMedicine Journal, 21/1/ 2002, Volume 3, Number 1.
10. Vlay.SC: Manual of cardiac Arrhythmias. 1988: 154-189.

Nhuồn : Thời sự tim mạch

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Đôi dòng

Chào quý vị !
Y học mênh mông, những gì mà y khoa của chúng ta làm được quá khiêm tốn, khiêm tốn ngay với chính bạn bè xung quanh. Vì đâu?
Trong nổ lực tìm ra câu trả lời cho chính mình, tôi có vài suy nghĩ thế này:
Một là TỰ TI
Hai là TỰ PHỤ
Ba là ÍCH KỶ
Bốn là THIẾU TRUNG THỰC
Năm là LƯỜI BIẾNG
Chúng ta - tự mỗi người vì sứ mệnh Y KHOA CHÂN CHÍNH hãy tránh xa những thói xấu trên.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Sốt rét ác tính do P.vivax

I. ĐẠI CƯƠNG

Nước ta là vùng dịch tể của sốt rét, tới thời điểm này, người ta ghi nhận có 05 thể có thể gây sốt rét : P.falciparum, P.vivax, P.malariae, P.ovale, P.knowlesi. Tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ có ba loại P.falciparum, P.vivax, P.malariae gây bệnh.


H1 : Cơ chế lây bệnh

H2 : Các giai đoạn P.falciparum trong máu


H3 : Hình ảnh P vivax



Ngoài những thể điển hình, đáp ứng điều trị tốt thì có nhiều thể không điển hình, trong đó nguy hiểm là thể sốt rét ác tính (SRAT). 60-70% BN bị sốt rét ác tính là do P.falciparum gây ra. Trước đây, khi nói đến P.vivax, chúng ta nghĩ đây là một loại sốt rét cách nhật và lành tính, điều này gây một sự chủ quan nguy hiểm. Gần đây, nhiều báo cáo sốt rét ác tính do P.vivax gây ra.

Trong một báo cáo tại Hàn Quốc với 110 cas nhiễm P.vivax, người ta ghi nhận : không có biểu hiện cơn bộc phát sốt (22.8%), đau đầu kiểu migraine (4.5%), đau cơ (6.3%), nổi ban đỏ ngứa và dạng mày đay từng đợt (1.8%), chậm nhịp tim (13.6%), hạ huyết áp tư thế (2.7%), vàng da (7.2%), rối loạn thần kinh (0.9%), thiếu máu nặng (7.2%), giảm tiểu cầu (3.6%), giảm huyết cầu toàn thể (0.9%).

Sau đây là những niến chứng nguy hiểm do P.vivax gây ra 


II. NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM DO P.VIVAX

1. Vỡ lách

     P.vivax gây vỡ lách tự phát cao hơn P.falciparum và chiếm khoảng 7/1000. Bối cảnh : lách to, tăng sản nhanh chóng và cấp tính. Vỡ lách hiếm khi xảy ra ở thể mạn tính.
     Lâm sàng : sốt, đau bụng, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, thiếu máu mà bạch cầu tăng --> siêu âm bụng
     Điều trị phẫu thuật.  Nguy cơ tử vong 80% .
    2. Thể huyết học
  •     Thiếu máu và giảm bạch cầu nặng
  •     Giảm tiểu cầu nặng, không đáp ứng với truyền tiểu cầu
    3. Thể thần kinh
    4. Thể phổi
  • Tổn thương phổi cấp
  • Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp
  • Phù phổi cấp
     5. Nhiễm độc
     6. Suy đa phủ tạng

III. ĐIỀU TRỊ

Đáp ứng điều trị tốt với : Chloroquin + Primaquin, có một số trường hợp kháng với chloroquin được báo cáo
Hướng dẫn của BYT

1. Nguyên tắc điều trị
  • Điều trị sớm, đúng và đủ liều
  • Điều trị cắt cơn sốt kết hợp với chống lây lan (sốt rét do P.falciparum) và điều trị tiệt căn (sốt rét do P.vivax).
  • Các trường hợp sốt rét do P.falciparum không được dùng một thuốc sốt rét đơn thuần, phải điều trị thuốc sốt rét phối hợp để hạn chế kháng thuốc và tăng hiệu lực điều trị.
  • Điều trị thuốc sốt rét đặc hiệu kết hợp với điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng.
2. Điều trị sốt rét thể thông thường
2.1. Điều trị đặc hiệu
a. Thuốc điều trị ưu tiên (first line):
  • Sốt rét do P.falciparum: Dihydroartemisinin - Piperaquin uống 3 ngày + Primaquin 0,5 mg bazơ/kg liều duy nhất cho tất cả các trường hợp dương tính ( bảng 8).
  • Sốt rét do P.vivax: Chloroquin tổng liều 25 mg bazơ/kg trong 3 ngày + Primaquin 0,25 mg bazơ/kg/ngày x 14 ngày.
b. Thuốc điều trị thay thế (second line):
  • Quinine 30 mg/kg/ngày x 7 ngày + Doxycyclin 3 mg/kg/ngày x 7 ngày
  • hoặc Quinin 30 mg/kg/ngày x 7 ngày + Clindamycin 15mg/kg/ngày x 7 ngày cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi.
Chú ý:
- Không điều trị Dihydroartemisinin – Piperaquin cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
- Không điều trị Primaquin cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 3 tuổi và người thiếu men G6PD.

2.2. Theo dõi trong quá trình điều trị
a. Theo dõi lâm sàng:
  • Nếu bệnh diễn biến nặng hơn hoặc trong 3 ngày điều trị mà người bệnh vẫn sốt hoặc tình trạng bệnh xấu đi và còn KSTSR thì phải thay thuốc sốt rét khác có hiệu lực cao hơn (thuốc điều trị thay thế – second line).
  • Nếu bệnh diễn biến nặng hơn hoặc trong 3 ngày điều trị mà người bệnh vẫn sốt hoặc tình trạng bệnh xấu đi và không còn ký sinh trùng sốt rét thì tìm nguyên nhân khác.
  • Nếu người bệnh bị nôn trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, thì phải uống liều khác thay thế.
  • Dặn người bệnh nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm sau 3 ngày điều trị.
b. Theo dõi ký sinh trùng:
  • Nếu bệnh diễn biến nặng hơn phải lấy lam máu để kiểm tra.
  • Khi người bệnh điều trị đủ liều, phải lấy lam máu kiểm tra, kết quả âm tính mới cho ra viện.
c. Điều trị hỗ trợ: Dựa vào các triệu chứng lâm sàng của người bệnh.

2.3. Xử trí các trường hợp điều trị thất bại
Tất cả các trường hợp điều trị thất bại, phải lấy lam máu để xét nghiệm lại và điều trị như sau:
  1. Xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm  trong vòng 3 ngày đầu và còn ký sinh trùng sốt rét thì phải điều trị như sốt rét ác tính.
  2. Nếu người bệnh xuất hiện lại KST trong vòng 14 ngày, sẽ điều trị thuốc điều trị thay thế (second line).
  3. Nếu người bệnh xuất hiện lại KST sau 14 ngày, được coi như tái nhiễm và điều trị bằng thuốc lựa chọn ưu tiên (first line).
  4. Nếu gặp các trường hợp điều trị thất bại đối với một loại thuốc sốt rét tại cơ sở điều trị, cần báo lên tuyến trên để tiến hành xác minh KSTSR kháng thuốc.
3. Điều trị sốt rét ác tính
3.1. Điều trị đặc hiệu
Sử dụng một trong các thuốc sốt rét theo thứ tự ưu tiên như sau:
  • Artesunat tiêm: Lọ 60 mg pha với 1 ml Natri bicarbonat 5%, lắc kỹ cho bột artesunat tan hoàn toàn, dung dịch trong suốt, sau đó pha thêm 5 ml Natri clorua 0,9% để tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp thịt (nếu không tiêm được tĩnh mạch). Khi người bệnh tỉnh thì có thể chuyển sang uống Dihydroartemisinin – Piperaquin
  • Quinin dihydrochloride, ống 500 mg (nếu không có Artesunat tiêm): Thuốc được pha trong Natri clorua 0,9% hoặc Glucose 5%. Nếu trước đó người bệnh chưa điều trị Quinin thì truyền tĩnh mạch với liều 20 mg/kg 8 giờ đầu, sau đó 10 mg/kg 8 giờ một lần cho các liều tiếp theo, cho đến khi tỉnh thì chuyển uống Quinin sunfat + Doxycylin cho đủ liều điều trị hoặc Dihydroartemisinin - Piperaquin liều 3 ngày.
Chú ý: Khi dùng Quinin đề phòng hạ đường huyết và trụy tim mạch do truyền nhanh.

Bài viết có sử dụng tài liệu và hình ảnh từ internet


Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Thiếu máu

Chưa có nội dung

Bệnh mô liên kết hỗn hợp

Đại cương
Bệnh mô liên kết hỗn hợp là thuật ngữ mô tả đặc điểm của bệnh lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng hệ thống và viêm đa cơ . Có đặc điểm
HC Raynaud, đau khớp, bất thường da đa dạng, yếu cơ và tổn thương các cơ quan nội tạng tiến triển
Sự hiện diện kháng thể bất thường trong máu
Điều trị tương tự như lupus ban đỏ hệ thống, thường là corticoids 




Khoảng 80% người bệnh là phụ nữ, độ tuổi có thể từ 5-80. Nguyên nhân chưa rõ, và người ta nghĩ nhiều do rối loạn tự miễn

Triệu chứng


Điển hình là HC Raynaud ( các ngón tay đột ngột tái nhạt, cảm giác kiến bò hay tê hoặc tái xanh trong phản ứng với lạnh hay cơn xúc động), viêm khớp, sưng phồng bàn tay, yếu cơ, khó nuốt, ợ nóng, thở nông.

HC Raynaud có thể có xảy ra trước nhiều năm. Bệnh có khuynhn hướng nặng dần và lan ra nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể

Bàn tay sưng phồng nhiều làm các ngón tay trông giống như hình xúc xích. Hồng ban cánh bướm ở mặt bắt ngang qua mũi, những mảng đỏ ở khuỹu, đường ngã màu tím ở mi mắt, có thể xuất hiện hình mạng nhện đỏ của tĩnh mạch ở mặt và tay. Những thay đổi ngoài da tương tự xơ cứng hệ thống, rụng tóc cũng có thể

Hầu hết bệnh nhân bệnh mô liên kết hỗn hợp đều có đau khớp. 75% diển tiến sưng, đau điển hình của viêm khớp. Bệnh mô liên kết hỗn hợp phá hủy các sợi cơ, làm cho cơ đau và yếu,đặc biệt là vai và hông. Khó khăn khi nhấc tay cao, bước lên bậc thang.

Dịch có thể tích tụ quanh phổi. Trong một số trường hợp, tổn thương phổi là nghiêm trọng nhất, gây khó thở

Đôi khi, có suy tim gây ứ dịch, khó thở, mêt mỏi

1o% có tổn thương thận, thần kinh nhưng thường nhẹ hơn so với lupus.

Một số triêu chứng khác như sốt, hạch to, đau bụng, khàn tiếng. HC Sjogren có thể phát triển. Theo thời gian, hầu hết phát triển thành các triệu chứng điển hình của lupus hay xơ cứng hệ thống

Chẩn đoán

Cần nghĩ đến bệnh mô liên kết hỗn hợp khi có các triệu chứng từ lupus, xơ cứng hệ thống, viêm đa cơ hay viêm khớp dạng thấp chồng lên nhau

Xét nghiệm máu tìm các kháng thể đối với ribonucleoprotein, gặp ở hầu hết các bệnh nhân bệnh mô liên kết hỗn hợp. Nồng độ cao các kháng thể này trong khi không có sự hiện diện của các kháng thể như trong bệnh lupus, là đặc diểm của bệnh mô liên kết hỗn hợp

Tiên lượng

Mặc dù được điều trị, bệnh mô liên kết hỗn hợp vẫn ngày một xấu đi, 13% tử vong sau 6-12 năm. Tiên lượng xấu trên những bệnh nhân có xơ cứng hệ thống hay viêm đa cơ. Khoảng 80% sống được 10 năm sau khi chẩn đoán. Một khoảng thời gian vài năm không có triệu chứng dù điều trị rất ít hoặc không điều trị với corticoid

Điều trị

Tương tự như lupus. Corticoids thường hiệu quả, đặc biệt là khi bệnh được chẩn đóa sớm.

Một số trường hợp nhẹ có thể điều trị với Aspirine hay NSAIDs, Hydroxychloroquine, methotrexate, azathioprine, cyclophosphamide

Nhìn chung, khi bệnh tiến triển và các cơ quan tổn thương nhiều hơn thì điều trị kém hiệu quả. Những tổn thương như xơ cứng hệ thống đối với da và thực quản thì đáp ứng với điều trị kém nhất

Một số hình ảnh tổn thương ngoài da điển hình


 
H1 : Khởi phát với HC Raynaud Hoại tử da


 

H2 : Các ngón tay có dạng xúc xích













H3 : Da teo lại


 







H4 : tổn thương cấp niêm mạc lưỡi, họng

Bệnh Henoch-Schlein

I. Định nghĩa
Viêm mạch Schönlein – Henoch là một bệnh lý viêm mạch hệ thống không rõ căn nguyên, có tổn thương các mạch nhỏ do lắng đọng phức hợp miễn dịch IgA, liên quan chủ yếu đến da, thận, ruột và khớp (Định nghĩa của Hội Khớp học Hoa kỳ 1990).
 

II. Thăm khám









1)
Hỏi bệnh:
  1. Tuổi xuất hiện bệnh 
  2. Thời gian diễn biến bệnh
  3. Cách diễn biến của bệnh: liên tục hay từng đợt
  4. Các triệu chứng cơ năng của người bệnh: sốt, nổi ban đỏ, đau khớp, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu, tiêu phân đen, tiểu máu, biểu hiện xuất huyết niêm mạc (chảy máu chân răng, rong kinh…)

2) Khám lâm sàng:

  • Đo thân nhiệt 
  • Xem đặc điểm của ban đỏ: hình thái, kích thước, vị trí phân bố, ấn kính.
  • Khám khớp: vị trí đau, điểm đau, biểu hiện sưng nóng đỏ, tràn dịch.
  • Khám bụng: xem có điểm đau khu trú, phản ứng thành bụng, chạm thận, bập bềnh thận.
3) Yêu cầu xét nghiệmcần khảo sát  
  • Công thức máu 
  • Tốc độ lắng máu
  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Định lượng IgA huyết thanh
  • Định lượng albumin, SGOT, SGPT, urê, creatinin, điện giải đồ máu
  • Xét nghiệm tìm máu trong phân
  • Nội soi dạ dày tá tràng
  • Kháng thể kháng nhân (ANA)
  • ANCA (Anti Neutrophil Cytoplasmic Antibody)
  • Yếu tố dạng thấp
  • Định lượng C3, C4 bổ thể
  • Sinh thiết tổn thương da, xem đặc điểm mô bệnh học
  • Nhuộm hoá mô miễn dịch mẫu sinh thiết phát hiện phức hợp miễn dịch chứa IgA.
  • Có thể sinh thiết thận nếu có tổn thương thận
III. Tiêu chuẩn chẩn đoán- Hội Khớp học Hoa kỳ năm 1990
  1. Ban xuất huyết: hơi nổi gờ trên mặt da, không liên quan đến giảm tiểu cầu
  2. Xuất hiện bệnh trước 20 tuổi 
  3. Đau bụng: đau lan toả, thường tăng lên sau ăn, hoặc nhồi máu ruột có kèm theo đi ngoài ra máu.
  4. Sinh thiết tổn thương có thâm nhiễm bạch cầu hạt trên thành các tiểu động mạch, tiểu tĩnh mạch.
==>Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm mạch Schönlein – Henoch khi có ít nhất 2 trong 4 tiêu chuẩn nêu trên. Tiêu chuẩn chẩn đoán này có độ nhạy 87.1% và độ đặc hiệu 87.7%.

IV. Chẩn đoán phân biệt
Khi không có đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh, cần phân biệt với một số bệnh lý sau:

  1. Các nguyên nhân đau bụng ngoại khoa 
  2. Nhiễm trùng não mô cầu
  3. Viêm khớp dạng thấp
  4. Thấp tim
  5. Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn
  6. Lupus ban đỏ hệ thống
  7. Phản ứng thuốc
  8. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
V. Điều trị
A. Nguyên tắc điều trị

  • Không có điều trị đặc hiệu.
  • Phương pháp điều trị là chống viêm + điều trị triệu chứng
B. Phương pháp điều trị
 

     1. Điều trị bảo tồn: được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân.Những trường hợp chỉ có ban xuất huyết đơn thuần có thể chỉ cần điều trị bằng các biện pháp này:
  • Nghỉ ngơi tại giường trong đợt cấp
  • Vitamin C liều cao (1-2 gam/ ngày uống hoặc tiêm tĩnh mạch)
  • Bù dịch.
    2. Dùng thuốc chống viêm :
  • Thuốc chống viêm không steroid (naproxen, diclofenac, ibuprofen…):
  1. Chỉ định: các trường hợp chỉ có ban xuất huyết và đau khớp đơn thuần
  2.  Hạn chế sử dụng khi bệnh nhân có xuất huyết tiêu hoá
  • Glucocorticoid (prednison, prednisolon, methylprednisolon…):
  1. Chỉ định: trong các trường hợp có đau bụng, tổn thương thận, đau khớp và ban xuất huyết không đáp ứng với các thuốc chống viêm không steroid đơn thuần hoặc với các biểu hiện nặng và hiếm gặp của bệnh như tổn thương thần kinh, tổn thương phổi…. Dùng sớm glucocorticoid ở những bệnh nhân chưa có tổn thương thận có thể hạn chế được sự xuất hiện của các tổn thương này trong quá trình tiến triển của bệnh. 
  2. Liều dùng: khởi đầu 1 mg/ kg/ ngày, giảm dần liều, thời gian sử dụng tuỳ thuộc vào đáp ứng của người bệnh, đặc biệt tổn thương thận. Thời gian điều trị mỗi đợt không nên kéo dài quá 1 tháng.
  3. Theo dõi điều trị: huyết áp, mật độ xương, đường máu, nồng độ canxi máu, cortisol máu, test ACTH, các triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng…
     3. Các thuốc ức chế miễn dịch (azathioprine, cyclophosphamide, cyclosporine):
  • Chỉ định: dùng phối hợp với glucocorticoid khi bệnh nhân có tổn thương thận không đáp ứng với glucocorticoid đơn thuần
  • Liều dùng:
  1. Azathioprine: uống 2mg/kg/24h trong ³ 6 tháng
  2. Cyclophosphamide: uống 1-2mg/kg/24h trong ³ 8 tuần.
  3. Cyclosporine: 2 – 5mg/ kg/ 24h, uống chia 2 lần trong ³ 6 tháng.
  • Theo dõi điều trị:
  1. Azathioprine: CTM và chức năng gan trưước ĐT và 1 lần/tuần trong 1 tháng đầu, sau đó 1-2 lần/ tháng. Ngưưng thuốc nếu SLBC <1,5 G/ l, TC <100 G/ l, HC niệu (+).
  2. Cyclophosphamide: CTM 1lần/ tuần trong t.gian ĐT, XN chức năng gan thận trưước ĐT và 1tháng /lần. Ngưưng ĐT nếu SLBC <1,5 G/ l, TC 2000ml nưước/24h. 
  3. Cyclosporine: Đo HA hàng tuần, XN chức năng thận trưước ĐT và 1tháng/lần, MLCT 3 tháng/ lần
      4. Điều trị triệu chứng:
  • Suy thận: dùng thuốc lợi tiểu, ăn nhạt.
  • Đau bụng: dùng thuốc giảm đau, an thần
  • Xuất huyết tiêu hoá: thuốc ức chế tiết dịch vị (omeprazole, cimetidine, ranitidine…), thuốc cầm máu (transamin…) và bọc niêm mạc dạ dày. Hạn chế tối đa việc sử dụng glucocorticoid và các thuốc chống viêm không steroid.
  • Đau khớp: dùng các thuốc chống viêm giảm đau toàn thân hoặc tại chỗ.
V. Theo dõi và tái khám
     1. Các chỉ số cần theo dõi

  • Sự xuất hiện các triệu chứng lâm sàng: ban xuất huyết ngoài da, đau khớp, đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
  • Các thông số nước tiểu: hồng cầu niệu, protein niệu
  • Tốc độ lắng máu
  • Nồng độ IgA trong máu (nếu có thể)
      2. Thời gian tái khám
  • 3 tháng/ lần nếu không có tổn thương thận 
  • 1 tháng/ lần nếu có tổn thương thận
Nguồn : Viện Nội Tiết TW

Bệnh Behcet

Đại cương
Bệnh Behcet là bệnh viêm mạch máu (chủ yếu ở tĩnh mạch) do tự miễn hiếm gặp. Bệnh thường  biểu hiện với loét da,  niêm mạc miệng, mắt. Ngoài ra, bệnh còn gây tổn thương các cơ quan khác : tiêu hóa, phổi, thần kinh, cơ khớp,…

Dịch tể học
Tại Mỹ, tần suất bệnh là 1/100000, nam > nữ

Triệu chứng
  • Tổn thương da, niêm mạc : Rất đa dạng, phổ biến nhất là ở miệng, sinh dục, mắt, da dưới dạng nốt loét, mủ
  • Mắt : viêm màng bồ đào, viêm võng mạc,…
  • Tiêu hóa : đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy, có thể tiêu máu,…
  • Phổi : viêm màng phổi, ho ra máu, nguy hiểm nhất là xuất huyết trong phổi do vỡ túi phình động mạch phổi
  • Cơ xương khớp : 50% có đau khớp, nhất là các khớp lớn ở chân
  • Thần kinh : có thể gây viêm màng não vô khuẩn, huyết khối hay rối loạn huyết động trong não
Tiêu chuẩn chẩn đoán
là một chẩn đoán lâm sàng loại trừ, không có xét nghiệm đặc hiệu.
Chẩn đoán Behcet khi
  1. Có loét miệng tái đi tái lại nhiều hơn 03 lần / năm
  2. Có 2/4 triệu chứng sau
  • loét sinh dục, hậu môn
  • Tổn thương da dạng mụn mủ, viêm nang lông,..
  • Viêm màng bồ đào, võng mạc,…mắt
  • Tổn thương da sau tiêm chích 24-48 giờ
Tuy vậy, thực tế lâm sàng cần nghĩ đến Behcet khi :
  • Loét miệng
  • Viêm khớp / đau khớp
  • Triệu chứng hệ thống thần kinh
  • Viêm dạ dày và/hoặc viêm ruột
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Viêm tĩnh mạch huyết khối
  • Tim mạch có vấn đề
  • Viêm trong lồng ngực và phổi
  • Vấn đề về thính giác
  • Kiệt sức
  • Thay đổi nhân cách, loạn thần
  • Có thành viên trong gia đình mắc bệnh Behçet.
Điều trị
Chọn lựa đầu tiên : Corticoids
Khác : Interferon, nhóm độc tế bào

Một số hình ảnh
  • Loét niêm mạc niệng



  • Tổn thương mắt


  • Loét sinh dục


  • Tổn thương da

 
Test ngoài da trong chẩn đoán bệnh Behcet